#

#

Seminar “Đào tạo trực tuyến khối ngành kỹ thuật”: Mong muốn mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học

940 Views

CTrong năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sinh viên phải nghỉ học trong thời gian dài để thực hiện cách ly xã hội, để đảm bảo không gián đoạn việc học, hoàn thành đúng tiến độ chương trình đào tạo, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đã kịp thời triển khai phương pháp giảng dạy trực tuyến trong học kỳ 2, năm học 2019-2020.

Vì phải triển khai cấp tốc, thời gian gấp rút nên trong quá trình giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhằm rút ra những kinh nghiệm cũng như đề xuất những giải pháp giúp việc giảng dạy cũng đánh giá kết quả học tập trực tuyến đạt hiệu quả tốt nhất, chiều ngày 26/10, Khoa Kỹ thuật - Nông nghiệp đã tổ chức Seminar "Đào tạo trực tuyến khối ngành kỹ thuật".

 

Tham gia seminar có TS. Đồng Ngọc Nguyên Thịnh, chủ nhiệm khoa cùng các giảng viên thuộc Khoa Kỹ thuật – Nông nghiệp. Các giảng viên đã trực tiếp báo cáo về những vấn đề liên quan đến đào tạo trực tuyến tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum.

 

TS. Đồng Ngọc Nguyên Thịnh, chủ nhiệm khoa Kỹ thuật - Nông nghiệp phát biểu tại buổi Seminar

 

Trong bài báo cáo “Các yếu tố tác động đến hiệu quả dạy học trực tuyến tại UDCK” của ThS. Thái Thị Bích Vân có nêu ra một số thực trạng dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng dịch covid-19 tại Nhà trường như đã áp dụng hai hình thức đào tạo e-learning (đào tạo trực tuyến) và đào tạo hỗn hợp (kết hợp giữa học tập trực tuyến và truyền thống). Với phương pháp học e-learning, hệ thống bài giảng được thiết kế rõ ràng, có tính định hướng để sinh viên dễ dàng xác định được nội dung cần học, đồng thời tăng cường tính tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Nhờ đó, phương pháp đào tạo hỗn hợp được sử dụng nhiều nhất cho tất cả các học phần trong học kỳ 2 vừa qua. Theo đó, với 331 học phần được giảng dạy thì có 104 học phần được giảng dạy theo hình thức e-learning, 227 học phần được giảng dạy theo phương thức truyền thống.

 

ThS. Thái Thị Bích Vân trình bày bài báo cáo "Các yếu tố tác động đến hiệu quả dạy học trực tuyến tại UDCK"

 

Bài báo cáo cũng nêu rõ một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo trực tuyến như nhận thức của người dạy và người học, nhiều sinh viên vẫn đang học đối phó, điểm danh ban đầu và có thể làm việc riêng khi giảng viên vẫn đang giảng bài; Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, trang thiết bị, môi trường học tập… Nhiều sinh viên vẫn chưa được trang bị máy tính, hoặc sống ở vùng có kết nối mạng không ổn định, môi trường xung quanh ồn ào..; Kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị, kỹ năng soạn tài liệu giảng dạy trong điều kiện không có sinh viên tương tác… cũng ảnh hưởng đến chật lượng học tập, sự liên tục của bài học; Sự phối hợp giữa gia đình và  nhà trường cũng là yếu tố tác động đến quá trình học vì một số em có hoàn cảnh khó khăn, lúc ở nhà thường phải giúp đỡ gia đình nên đôi khi làm cản trở việc học tập…

 

Một số biện pháp giúp nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến được ThS. Thái Thị Bích Vân nêu ra như cần xem học trực tuyến là một cấu phần chính thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy- học; cần hoàn thiện văn bản chỉ đạo về điều kiện tổ chức, chương trình học, thời lượng mỗi tiết học; kiểm tra đánh giá đảm bảo thống nhất; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức kỹ năng  dạy học trực tuyến, soạn giảng trực tuyến, đánh giá, quản lý lớp học, sử dụng phần cứng, phần mềm…; Huy động nguồn lực hỗ trợ đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

 

“Tương tác hiệu quả giữa người dạy và người học” là bài báo cáo của ThS. Trần Quốc Hùng đã nhấn mạnh rằng tương tác giữa người dạy và người học là yếu tố tối quan trọng quyết định chất lượng của một chương trình giảng dạy. Vì đây còn là quá trình người dạy và người học học hỏi lẫn nhau, trao truyền tình cảm, kinh nghiệm, kỹ năng, năng lượng tích cực… nhằm giúp kết quả giảng dạy và học tập tốt hơn. Báo cáo cũng chỉ 5 cấp độ tương tác trong thiết kế bài giảng dừa trên những thành phần nội dụng như Ảnh, Tài liệu, Câu hỏi, Âm thanh, Video, Bài giảng tương tác và Tích hợp các thành phần.

 

ThS. Trần Quốc Hùng trình bày bài báo cáo "Tương tác hiệu quả giữa người dạy và người học"

ThS. Trần Quốc Hùng cũng đưa ra một số giải pháp giúp tăng hiệu quả tương tác giữa người dạy và người học trong đào tạo trực tuyến như giảng viên cần truyền tải nội dung giảng dạy với niềm đam mê và nhiều năng lượng giúp tạo được nguồn cảm hứng và niềm tin cho người học; Giảng viên có thể tương tác với từng sinh viên để kiểm soát lớp học; Khuyến khích trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi hoặc thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến; Hỗ trợ người học “ngoài giờ học” như trả lời email, giải đáp một số thắc mắc; Luôn đưa ra phản hồi, nhận xét để giúp người học tự tin hơn và cải thiện được kiến thức; Xây dựng nội dung tóm tắt sau mỗi buổi học để người học tiếp thu tốt hơn và tương tác nhiều trong buổi học tiếp theo; Tạo chia sẻ cộng động như thành lập các nhóm trên facebook, zalo để mọi người cùng thảo luận, chia sẻ về bài học, thắc mắc; Tạo hoạt động khuyến khích, ưu đãi như tổ chức cuộc thi, trao thưởng… cho những nỗ lực, cố gắng của người học để tạo thêm động lực cho mỗi giờ học…

ThS. Lê Thị Thu Trang đem đến bài báo cáo với chủ đề “Phương pháp kiểm tra đánh giá học tập trực tuyến” cũng đã chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra đánh giá như Cơ sở vật chất phục vụ dạy - học trực tuyến; Kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị CNTT; Tính liêm chính học thuật trong kiểm tra, đánh giá…

 

ThS. Lê Thị Thu Trang trình bày bài báo cáo "Phương pháp kiểm tra đánh giá học tập trực tuyến"

 

Báo cáo cũng nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến. Theo đó, đối với cán bộ quản lý cần kiểm tra các điều kiện kỹ thuật, các công cụ phần mềm phục vụ kiểm tra đánh giá; các công cụ hỗ trợ cho kiểm tra đánh giá trực tuyến như phần mềm giám thị trực tuyến (online proctoring), phần mềm kiểm tra và phát hiện đạo văn, phần mềm xáo trộn đề thi và đáp án; Tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, hỗ trợ giảng viên xây dựng các bài kiểm tra đánh giá…

Đối với giảng viên, các phương pháp đánh giá kết quả học tập nên đa dạng, đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy, sự công bằng; Cung cấp cho người học các hướng dẫn, quy định cụ thể về thời gian, hình thức, phương pháp, tiêu chí, trọng số, cơ chế phản hồi và các nội dung liên quan đến hoạt động kiểm tra đánh giá của học phần qua kênh trực tuyến; Sử dụng công cụ phần mềm kiểm tra đánh giá có độ tin cậy và độ bảo mật cao để xây dựng các bài kiểm tra đánh giá trực tuyến.

Đối với công tác tổ chức thi có kế hoạch dự phòng để người học có thể nộp hoặc hoàn thành các đề thi đánh giá tổng kết trong trường hợp xảy ra các sự cố về kỹ thuật; Kết quả kiểm tra đánh giá trực tuyến được thông báo đến người học kịp thời đúng quy định, giúp người học theo dõi được tiến bộ và cải thiện chất lượng học tập của mình.

Trong giảng dạy đại học, các chức năng và các hình thức kiểm tra, đánh giá được thể hiện thông qua nhiều phương pháp khác nhau như vấn đáp, quan sát, viết

Sau khi nghe các bài báo cáo, TS. Đồng Ngọc Nguyên Thịnh, Chủ nhiệm khoa đã điều hành phần thảo luận. Mọi người cùng nhìn lại đánh giá chung kết quả của đào tạo trực tuyến thời gian qua. Từ đó, nêu ra những ưu khuyết điểm mà đào tạo trực tuyến mang lại cho người dạy và học.  

 

Rất nhiều ý kiến, đề xuất về những giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến tại UDCK như về lựa chọn phần mềm học trực tuyến, đảm bảo cơ sở vật chất, nâng cao ý thức học tập của sinh viên, xây dựng nội dung giảng dạy hiệu quả...

Thông qua buổi seminar này, rất nhiều vấn đề liên quan đến giảng dạy trực tuyến đã được mổ xẻ, bàn luận với mong muốn duy nhất là mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học – những sinh viên đã lựa chọn UDCK làm nền tảng để đi đến thành công.